Chuyện chưa kể sau phim ngắn ‘Về nhà’ của Doha

Chuyện chưa kể sau phim ngắn ‘Về nhà’ của Doha

Chuyện chưa kể sau phim ngắn ‘Về nhà’ của Doha

Ngày đăng: 20/09/2022

Là món quà cho mùa Tết Nhâm Dần 2022, “Về nhà” là phim ngắn được đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng dành trọn tâm huyết với nhiều chi tiết sâu sắc về tình cảm gia đình.

Với sự tài trợ của Công ty Doha JSC, phim ngắn “Về nhà” đã ra mắt ngày 26/12 với nhiều tình tiết bất ngờ và xúc động. Với cốt truyện chắt lọc từ chất liệu thực tế cùng cách triển khai xâu chuỗi theo lối kể chuyện hài hước, nhẹ nhàng, thông điệp về với gia đình đã chạm đến trái tim người xem.

Nếu như các nhãn hàng thường thể hiện thông điệp gắn kết với hình ảnh gia đình sum vầy thì Doha Jsc lại khai thác một khía cạnh khác độc đáo. Đây là phim ngắn truyền tải thông điệp nhân văn và tinh thần dân tộc của người Việt: Về nhà ăn Tết là phút giây đoàn viên với những người thân yêu, ngay cả những người đang sống hay những ai đã khuất.

Với sự tham gia của dàn diễn viên kỳ cựu như NSƯT Mạnh Dung, nghệ sĩ Thanh Hiền, diễn viên Tùng Yuki, Ngân Quỳnh, Tuyền Mập,… “Về nhà” mang đến câu chuyện tình cảm về gia đình cùng cái kết gây xúc động. Tính thời sự và hơi thở cuộc sống trong phim thể hiện qua việc xây dựng thành công nhân vật người cha do diễn viên Tùng Yuki đảm nhận.

Câu chuyện xoay quanh khung cảnh cả gia đình chuẩn bị đón Tết cùng hành trình trở về nhà của nhân vật chính. Tùng Yuki vào vai một chủ doanh nghiệp đang vật lộn giữa áp lực thương trường để lo toan cho sự sống còn của công ty và đời sống của nhân viên. Đây cũng là chân dung của người con, người chồng làm ăn xa quê mà cha mẹ, vợ con ở nhà ngày đêm trông ngóng trở về.

Phim đặt trong bối cảnh năm 2021 đầy biến động bởi dịch bệnh, do đó câu chuyện sinh ly tử biệt càng làm bật giá trị của gia đình đối với người xem.

Diễn viên Tùng Yuki có những phân đoạn đầy cảm xúc trong “Về nhà”.

Điểm đột phá trong ý tưởng của “Về nhà” là gây cho người xem lầm tưởng hai ông bà vẫn sống và chờ con trai về nhà ăn Tết. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc cả gia đình trưng rượu và ngước lên bàn thờ gia tiên, người xem mới ngỡ ngàng: Tết đến xuân về, cha mẹ hay người thân đã mất cũng chờ đợi mong ngóng con cái trở về để thắp nén nhang, ăn bữa cơm sum vầy. Khán giả không khỏi nghẹn ngào với hình ảnh cha mẹ, ông bà luôn ở đó cùng câu nói đầy dịu dàng của người mẹ: “Ba má về ăn Tết với các con nè”.

Lễ rước ông bà vào trưa 30 Tết là nét văn hóa truyền thống của người Việt từ xưa. Tục lệ này xuất phát từ quan niệm ông bà tổ tiên luôn ở bên để phù hộ con cháu. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp đã được người Việt gìn giữ qua hàng nghìn năm.

NSƯT Mạnh Dung gây xúc động với vai diễn người cha trong phim.

Đại diện nhà tài trợ, bà Trịnh Thị Phi Đoàn cho biết: “Doha JSC tài trợ cho phim ngắn của đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng vì tính nhân văn của kịch bản. Với một người con xa quê hương nhiều năm, cảm giác được về nhà ăn Tết với gia đình, đoàn tụ với cha mẹ, quê hương là điều thiêng liêng nhất”.

Theo bà Đoàn, phong tục thờ cúng ông bà (đạo lương) của người Việt là một giá trị văn hoá đặc biệt. Hiếm có dân tộc nào duy trì quan niệm đón người mất về ăn Tết. Hướng về tổ tiên chính là nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ và truyền thừa cho các thế hệ sau.

Khung cảnh đắt giá trong phim.

Tuy không mang Tết đến bằng hình ảnh hoa đào, hoa mai, phim ngắn lại gây ấn tượng bởi hình ảnh linh vật “Hổ vàng Nhâm Dần” cảm tác từ tranh dân gian Đông Hồ. Hình ảnh chú hổ hiên ngang dưới bóng tùng như một ẩn dụ về sự kiên cường, dũng cảm vượt qua gian nan, khó khăn của cuộc sống.

Phim cũng có nhiều chi tiết và lời thoại đắt giá. Suốt mạch phim là thông điệp “Chúng ta không hề cô đơn trong hành trình vượt qua khó khăn trong cuộc sống vì còn luôn có gia đình âm thầm dõi theo”.

Những cái ôm khi nhân vật chính trở về nhà.

Phim ngắn “Về nhà” khắc họa bản lĩnh mãnh hổ của người Việt để truyền tải thông điệp chủ đạo: Vượt qua một năm khó khăn do dịch bệnh, con người vẫn hiên ngang trên đỉnh núi, trường tồn như cây tùng nghìn năm.

Văn hóa tặng quà cho người thân cũng được khắc họa nhẹ nhàng qua hình ảnh món quà quê như giỏ rau củ với dòng chữ nguệch ngoạc đứa con viết cho cha, hay món quà Tết ý nghĩa dâng cha mẹ trên bàn thờ gia tiên. Người Việt lựa chọn quà Tết không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn gửi gắm muôn vàn ý nghĩa tinh thần.

Bữa cơm đoàn viên tràn đầy niềm vui.

Ê-kíp sản xuất cũng khéo léo mang lại tiếng cười cho bằng hình ảnh cô hàng xóm nhiều chuyện, hay tuyến nhân vật phụ tuy âm thầm nhưng đại diện cho những mối quan hệ nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Tuy là một bộ phim rất ngắn, “Về nhà” đã kịp để lại cho khán giả nhiều suy nghĩ về Tết và giá trị của tình cảm gia đình.

Nguồn: Zingnews.vn

Xem thêm: https://zingnews.vn/chuyen-chua-ke-sau-phim-ngan-ve-nha-cua-doha-post1287711.html